ISO 14001 với vấn đề môi trường Việt Nam

Trong nỗ lực kiểm soát ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế lên môi trường và sự thể hiện cam kết của Việt Nam hướng tới Chương trình nghị sự 21, Việt nam đã thông qua Luật bảo vệ môi trường đầu tiên năm 1993. Luật bảo vệ môi trường này, cùng với các quy định pháp luật hỗ trợ từ cấp trung ương tới địa phương, đã giúp hình thành một khuôn khổ cho công tác bảo vệ môi trường và ngăn chặn ô nhiễm. Năm 1995, Việt Nam đã công bố bộ tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, xác định và qui định về các loại ô nhiễm khác nhau, từ khí thải, tiếng ồn, chất thải rắn và lỏng, chất thải độc hại,... sản sinh ra từ các hoạt động kinh doanh. Những tiêu chuẩn này được xem xét lại và cập nhật năm 2001 tăng tính chặt chẽ cho các qui định. Năm 2003, chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2003/ND-CP về thu phí đối với nước thải. Đây là một sáng kiến hướng tới việc làm cho các doanh nghiệp có trách nhiệm hơn đối với hoạt động bảo vệ môi trường của họ.

 

Việc giới thiệu ISO 14001 với Việt Nam được thực hiện chậm hơn so với các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore hoặc Malaysia. Cho tới năm 1998, tiêu chuẩn này vẫn chưa được chấp nhận và dịch sang tiếng Việt. Tuy nhiên, sau khi được chấp nhận thành tiêu chuẩn của Việt Nam (TCVN ISO 14001:1998), ISO 14001 đã dần trở nên phổ biến trong cộng đồng các doanh nghiệp. Điều này có thể được lý giải rằng sau khi hướng tới sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã phải chịu những áp lực giống với áp lực đã được nêu ở mục 2.2 của báo cáo này. Tuy nhiên, trong trường hợp của Việt Nam, hai động lực chính đằng sau sự vận động của việc ứng dụng ISO 14001, đó là áp lực từ đối tác nước ngoài và nỗ lực xúc tiến từ phía Chính phủ.

Thứ nhất, sự vận động hướng tới mở cửa thị trường có nghĩa là các tổ chức của Việt Nam sẽ làm ăn với khách hàng hoặc đối tác nước ngoài (ví dụ như trong lĩnh vực xuất khẩu) và đối tác đến từ nước ngoài (ví dụ như nhà cung cấp cho các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài).

Trong những trường hợp này, các tổ chức của Việt Nam buộc phải có Hệ thống quản lý môi trường được cấp chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn ISO 14001 như là điều kiện tiên quyết cho việc ký kết hợp đồng hoặc thoả thuận. Đối với các tổ chức của Việt Nam trong tình huống này, việc ứng dụng ISO 14001 ban đầu không bắt nguồn từ nhu cầu bên trong nhưng dần dần nó thâm nhập vào hoạt động hàng ngày và đem đến lợi ích chứ không chỉ đáp ứng yêu cầu của khách hàng và/hoặc đối tác.

Thứ hai, trong những năm gần đây, Việt Nam đã tìm ra được các biện pháp ở các mức độ khác nhau nhằm xúc tiến việc ứng dụng ISO 14001, từ các biện pháp khuyến khích cho tới việc quy định bắt buộc. ở khía cạnh khuyến khích, những chương trình ở nhiều tỉnh thành khác nhau đã hỗ trợ tài chính cho các dự án ISO 14001 được lựa chọn. ở khía cạnh còn lại, những biện pháp bao gồm yêu cầu bắt buộc đối với các tổ chức ở một số ngành cụ thể phải ứng dụng ISO14001. Một ví dụ cho việc này là Quyết định 115/2003/QĐ-BCN buộc các tổ chức sản xuất và lắp ráp ôtô phải có chứng chỉ ISO 14001 trong vòng 36 tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động.

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa nhận thức hết những lợi ích của việc ứng dụng ISO 14001 đối với tính hiệu quả và năng suất hoạt động. Bằng chứng là cho tới nay, không một doanh nghiệp địa phương nào tự tuyên bố đạt được chuẩn ISO 14001. Điều này một phần là do thiếu nghiên cứu về việc các doanh nghiệp đã nhận thức được tác động của ISO 14001 lên hoạt động kinh doanh như thế nào, đặc biệt đối với những hoạt động chủ chốt. Thông tin về việc xúc tiến ứng dụng ISO 14001 chủ yếu chỉ tập trung vào nhu cầu cần có chứng chỉ ISO 14001 để tránh mất những vụ làm ăn đòi hỏi phải có hệ thống quản lý môi trường đã được cấp chứng chỉ hơn là nhấn mạnh vào lợi ích của việc ứng dụng tiêu chuẩn ISO 14001 vào việc nâng cao hoạt động chủ chốt của doanh nghiệp.

Khảo sát của Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hoá về chứng chỉ ISO 14001 cho thấy chứng chỉ đầu tiên đã được cấp cho một tổ chức tại Việt Nam năm 1998. Từ năm 1999 đến năm 2002, số chứng chỉ được cấp tăng rất ít. Nhưng đến tháng 12 năm 2003, con số này lại tăng đáng kể từ 33 đến 56 chứng chỉ. Theo khảo sát này thì vào tháng 12 năm 2003, Việt Nam đang ở vị trí thứ sáu trong số 10 quốc gia trong khu vực Đông Nam á nhận được chứng chỉ ISO 14001. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có một cuộc khảo sát chính thức nào về những tổ chức được cấp chứng chỉ ISO 14001. Vì thế, Việt Nam cũng không có dữ liệu chính thức về số tổ chức được cấp chứng chỉ ISO 14001 trong thời điểm hiện tại và sự phân bổ chứng chỉ theo ngành và theo khu vực địa lý. Tuy nhiên, dường như ở khu vực phía Nam nơi có tốc độ tăng trưởng và mức đầu tư cao hơn, số chứng chỉ được cấp cũng nhiều hơn. Hầu hết những tổ chức được cấp chứng chỉ là các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài hoặc trong các ngành xuất khẩu.

Đối với việc ứng dụng ISO 14001 ở cảng biển và những ngành hoạt động trong khu vực cảng biển, hiện tại chưa có cảng nào hay tổ chức liên quan đến ngành hàng hải được cấp chứng chỉ ISO 14001. Tuy nhiên, thực trạng này cũng không làm giảm bớt tiềm năng của việc ứng dụng tiêu chuẩn trong những lĩnh vực này vì các cảng và ngành hoạt động trong khu vực cảng biển rất dễ gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh cả trong điều kiện hoạt động bình thường và không bình thường. Tiềm năng này được chứng tỏ trong danh sách cảng biển của Mỹ được cấp chứng chỉ ISO 14001 (Hiệp hội các cơ quan chức năng về cảng biển Mỹ). Hơn nữa, những hoạt động này hiện tại đang được kiểm soát thông qua một loạt những qui tắc và điều lệ của các cơ quan chức năng, bao gồm cả Tiêu chuẩn TCVN 5943-11995 của Việt Nam về chất lượng nước vùng bờ biển.

Dự án do Trường đại học tự do Brussels và Viện Hải dương học Hải Phòng phối hợp thực hiện là một trong những sáng kiến đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về cách ứng dụng tiêu chuẩn ISO 14001 ở cảng biển và các ngành liên quan hoạt động trong khu vực cảng biển.

Với triển vọng Việt Nam sẽ gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào thời gian tới, hy vọng rằng nền kinh tế của Việt Nam sẽ hội nhập được với khu vực và thế giới. Ngoài những khía cạnh khác, một khía cạnh về hội nhập sẽ là hội nhập theo xu hướng ứng dụng tiêu chuẩn ISO 14001 cho hệ thống quản lý môi trường.

Đối với việc tham gia của Chính phủ, năm 2003, chính phủ Việt Nam đã công bố Chiến lược quốc gia bảo vệ môi trường cho tới năm 2010 với tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu nhằm xúc tiến việc ứng dụng tiêu chuẩn ISO 14001 cho hệ thống quản lý môi trường. Văn bản này đã đề ra mục tiêu phải có 50% doanh nghiệp được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn ISO 14001 hoặc tương đương vào năm 2010 và 80% doanh nghiệp được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 14001 hoặc tương đương vào năm 2020. (Quyết định 256/2003/QD-TTG, 2003)

Vì những lý do này, hy vọng trong 5-10 năm tới, Việt Nam sẽ gia tăng nhanh chóng số chứng chỉ ISO 14001 cấp cho các doanh nghiêp.